19/05/2024
Thời gian vừa qua, lợi dụng nhu cầu thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ của người dân tăng cao, dịch vụ, lời mời, quảng cáo thi hộ ngoại ngữ nở rộ trên mạng xã hội. Nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý không muốn học nhưng muốn có chứng chỉ của nhiều người để thực hiện các hành vi lừa đảo. Hơn một tháng nay, chị Nguyễn Thanh B. (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) loay hoay với việc học để thi chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu công việc. Sau một thời gian học, chị B. nhận được tin nhắn của một người lạ qua ứng dụng Zalo, quảng cáo rằng có thể giúp chị có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh B2 mà không cần phải học. Việc của chị B. chỉ là đến phòng thi, còn thi như thế nào đã có người khác “lo”. Chi phí trọn gói chị B. phải đóng là 10 triệu đồng. “Người này khẳng định với tôi 100% là thi đậu. Khi tôi đến phòng thi, sẽ có “tay trong” là một người có trình độ ngoại ngữ được xếp ngồi cạnh nhắc bài. Không chỉ chứng chỉ tiếng Anh B2, nếu tôi cần thi chứng chỉ IELTS cũng sẽ được hỗ trợ như vậy, nhưng chi phí sẽ cao hơn nhiều. Khi tôi xin số điện thoại và tên để liên hệ, người này không cung cấp vì lý do nhạy cảm”, chị B. chia sẻ. Chị Phạm H. (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, do cần chứng chỉ IELTS, chị H. đã trao đổi với một người cung cấp dịch vụ này trên mạng xã hội Zalo và được ra giá 14,5 triệu đồng cho chứng chỉ IELTS 5.5. Sau khi chuyển tiền đến số tài khoản ngân hàng được cung cấp, trước ngày đi thi theo kế hoạch, chị H. nhắn tin hỏi về tài liệu, thủ tục… thì phát hiện tài khoản Zalo mà chị liên hệ đã bị khóa. Chị H. đành phải “tiền mất, tật mang”. Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian vừa qua, lợi dụng nhu cầu lấy chứng chỉ ngoại ngữ để phục vụ học tập, công việc… tăng cao, các fanpage quảng cáo về dịch vụ thi hộ chứng chỉ ngoại ngữ có dịp nở rộ. Chỉ cần gõ từ khóa “thi hộ chứng chỉ ngoại ngữ” trên các công cụ tìm kiếm internet, mạng xã hội, sẽ xuất hiện hàng nghìn kết quả là các bài đăng về việc hỗ trợ thi hộ các chứng chỉ, không chỉ tiếng Anh, mà còn tiếng Pháp, tiếng Trung… Những fanpage này đăng thông tin sẽ thi hộ cho người có nhu cầu muốn sở hữu các chứng chỉ ngoại ngữ như: IELTS, PTE, TOEIC, VSTEP, KET, FCE… Trên trang Facebook có tên “Cấp key chuẩn, Thanh toán khi biết kết quả” là hàng chục bài đăng quảng cáo dịch vụ thi hộ với nội dung như: “hỗ trợ thi hộ chứng chỉ IELTS - PTE - TOEIC trên khắp cả nước”; “cam kết đầu ra 450Đ TOEIC hoặc 4.5 - 7.0 IELTS”; “bao đỗ khi thi lần đầu”, “chỉ đi thi đúng 1 buổi thay vì phải học cả năm”… kèm theo đó là hình ảnh những thí sinh (được che mặt) cầm trên tay các chứng chỉ ngoại ngữ cùng những lời cảm ơn nhằm tạo uy tín. Còn fanpage Dịch vụ Anh ngữ - Nhận bằng hỏa tốc - Thanh toán tiền sau, đăng thông tin: “Hỗ trợ thi hộ IELTS, PTE, TOEIC, bao đỗ khi thi lần đầu, cấp chứng chỉ đúng thời hạn, không phải chờ đợi lâu”. Ngoài ra, trên Facebook cũng xuất hiện nhiều hội, nhóm được đặt tên như “Đồng hành cùng các kỳ thi”, “Tự học tiếng Anh”… với hàng nghìn thành viên tham gia. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại các hội, nhóm này, các thông tin trao đổi hầu hết là thông tin tìm kiếm, cung cấp về dịch vụ thi hộ. Trong vai một người muốn có chứng chỉ tiếng Anh IELTS để đủ điều kiện tốt nghiệp cao học, phóng viên đăng thông tin lên một nhóm kín có tên “Hỗ trợ IELTS…”. Ít phút sau, phóng viên nhận được rất nhiều tin nhắn mời chào dịch vụ thi hộ với nội dung như: “Bạn muốn chứng chỉ gì cũng có”, “Sẽ có người thi hộ, người thật, chứng chỉ thật”, “Hoàn tiền nếu không được cấp chứng chỉ”... Đáng chú ý, có tin nhắn của một tài khoản có tên là “Thanh Hieu” bày tỏ muốn “chia sẻ bí quyết”. Người này giới thiệu là học sinh lớp 11, vừa qua đã được “các cô, các chú” hỗ trợ thi hộ và giờ sở hữu chứng chỉ IELTS 6.5. “Nếu chú muốn, cháu sẽ giới thiệu người quen hỗ trợ chú”, tài khoản “Thanh Hieu” chia sẻ, gửi kèm các hình ảnh thẻ dự thi được giới thiệu là của người thi hộ. Trước tình trạng quảng cáo, mời chào thi hộ diễn ra tràn lan thời gian qua, nhiều cơ quan, trung tâm ngoại ngữ… đã phát đi những thông tin cảnh báo. Cách đây không lâu, trên trang web chính thức, Hội đồng Anh (đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS) đã phải lên tiếng về việc trang Facebook giả mạo quảng cáo dịch vụ hỗ trợ thi hộ cam kết bao đỗ. Hội đồng Anh khẳng định đây là trang được tạo với mục đích lừa đảo và khẳng định kỳ thi IELTS được bảo mật chặt chẽ qua nhiều khâu trước, trong và sau kỳ thi nhằm bảo đảm tính chính xác và tin cậy của một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ chuẩn quốc tế. Trước đó, Công an thành phố Hà Nội cũng đã khởi tố các đối tượng Nguyễn Huy Hoàng (trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) và Vũ Huy Hùng (trú quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đây là 2 đối tượng đã làm giả giấy tờ để thi hộ trong kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật được tổ chức tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Theo bà Nguyễn Hoàng Yến (giảng viên trung tâm ngoại ngữ tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ không chỉ giúp người thi xác định năng lực của mình mà còn giúp cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực của học viên, người lao động. Không phải trung tâm, trường đại học nào cũng được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và các kỳ thi cũng được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc. Vì vậy, phần lớn các quảng cáo thi hộ là để lừa đảo. Chưa kể, việc để lọt những “hạt sạn” trong các kỳ thi sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Trước tiên, hành vi này sẽ tạo ra sự thiếu công bằng đối với người học thật, thi thật; làm giảm sút chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, những người không có năng lực thật sự sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có chế tài xử lý nghiêm với những đối tượng nhờ thi hộ và tổ chức thi hộ. Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận thi, các đơn vị được phép tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ cần chú trọng đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên trong việc nhận diện người mạo danh, phát hiện hành vi gian lận; xây dựng môi trường làm bài thi nghiêm túc với hệ thống camera giám sát chặt chẽ; thực hiện tốt việc phân tích bài làm và kết quả thi trước khi thông báo điểm, cung cấp dịch vụ hậu kiểm trực tuyến miễn phí và bảo mật cao để các tổ chức có thể xác minh kết quả của thí sinh; thiết kế bảng điểm có nhiều tính năng bảo mật, bao gồm giấy tăng cường bảo mật, được xác thực bằng tem xác thực của từng loại chứng chỉ và ảnh của thí sinh với độ phân giải cao... Bên cạnh đó, các trường hợp gian lận thi sẽ bị hủy kết quả thi, cấm thi trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời sẽ bị từ chối xét duyệt trong thời gian quy định bởi các tổ chức công nhận chứng chỉ ngoại ngữ trong nước và quốc tế. Theo Điều 22 Luật Giáo dục năm 2019 quy định các hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục. Điều 14, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định: Phạt tiền từ 14 triệu đồng đến 16 triệu đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm. Hiện nay, Bộ luật Hình sự hiện hành không có quy định đối với hành vi thi hộ. Tuy nhiên, nếu các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội như làm giả giấy tờ đi thi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Luật sư Nguyễn Ngọc Hoàng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) |